Những Bài Học Điện Ảnh – Kỳ 1: Ý Tưởng Cốt Lõi!

Nguồn Lực Tài Chính đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng của một bộ phim Điện Ảnh. Những bộ phim được đầu tư chi phí cao thường sẽ đột phá doanh thu phòng vé và gắn mác: “Bom Tấn”. Tuy nhiên, chúng ta không khỏi bất ngờ về những quả “Bom xịt” được rót vào hàng triệu đô, được PR cả năm trước khi công chiếu vẫn thất bại ê chề, và bị gọi là: “Thảm họa điện ảnh”. Trái lại, là sự thành công vang dội của một vài bộ phim kinh phí thấp, hay thậm chí: “Không được nhà đầu tư ngó tới” lại gây kinh ngạc cả khán giả lẫn giới phê bình.

Vậy yếu tố cốt lõi ở đây là gì? Kinh phí đóng vai trò quan trọng nhưng điều gì đóng vai trò quyết định sự thành công của một bộ phim? Những bộ phim kinh phí cao có trang thiết bị đầy đủ, có kỹ xảo hoành tráng, có nhân lực tay nghề cao, tại sao đôi lúc lại bị đánh gục đau đớn bởi những bộ phim kinh phí thấp, không có kỹ xảo, ít nhân lực, và trang thiết bị không phải là tối tân nhất?

Nào, chúng ta cùng quay lại thập niên 80 của thế kỉ 20, và ghé thăm hãng phim Paramount. Lúc bấy giờ, giám đốc sản xuất của hãng là ngài Michael Eisner (Mà sau này là lãnh đạo của Walt Disney). Eisner đã đi một bước táo bạo, rót một số tiền khổng lồ để thỏa thuận với George Lucas, tác giả kịch bản Star Wars để thực hiện bộ phim “Indiana Jones”, sau khi hai hãng phim đối thủ khác đã bỏ qua dự án này vì chi phí để làm nó quá cao.

Bộ phim sau đó thành công ngoài mong đợi, trở thành “một thương hiệu nhượng quyền”, một tác phẩm đình đám được nối tiếp bởi nhiều phần tiếp theo cũng mang lại lợi nhuận cao không kém.

Sau thành công vang dội ấy, Eisner đã tổng hợp và viết lại thành một bản tuyên ngôn điện ảnh dài 21 trang gửi tới các nhà điều hành của Paramount. Ông lưu ý họ rằng gần như toàn bộ lợi nhuận của hãng từ năm 1981 đều có được nhờ “Indiana Jones”, một bộ phim đắt đỏ bất thường theo tiêu chuẩn của Paramount.

trfr8Ay-1

Ông viết: “Chúng ta không có nghĩa vụ phải làm nghệ thuật. Chúng ta không có nghĩa vụ phải làm nên lịch sử hay truyền tải một tuyên ngôn. Để kiếm tiền, chúng ta luôn phải làm ra những bộ phim giải trí, và nếu chúng ta làm ra một bộ phim giải trí thì chắc chắn sẽ có lúc chúng ta tạo nên lịch sử, nghệ thuật hay truyền tải một tuyên ngôn, hoặc có khi là cả ba. Chúng ta thậm chí còn có thể nhận các giải thưởng… Điều ấy không nằm ở chi phí đắt đỏ để làm một bộ phim, thành công dường như đang khiến các bạn quên đi điều thực sự giúp chúng ta có được nó. Nếu mỗi bộ phim đều xuất phát từ một ý tưởng độc đáo và giàu tính tưởng tượng, thì chúng ta có thể tự tin rằng bộ phim ấy sẽ tạo nên đột phá.

Ngân sách thấp không thể là cái cớ để biện minh cho những yếu kém của kịch bản, kinh phí thấp không bao giờ là lý do hợp lý để chúng ta tạo ra một kịch bản xoàng xĩnh. Kể cả những nhà biên kịch, diễn viên hay đạo diễn vĩ đại nhất cũng không thể cứu vãn nổi một bộ phim không có lấy một ý tưởng cốt lõi nào. Và nhìn chung, chúng ta nên từ chối những thỏa thuận đắt đỏ với các diễn viên ngôi sao hay đạo diễn đình đám, bởi với kịch bản tốt chúng ta có thể thu hút họ sau.”

Bản ghi nhớ của Eisner đã trở thành kinh thánh của Paramount. Nó còn được lan truyền rộng rãi khắp Hollywood. Nó khiến ông trở thành một thiên tài phân tích của ngành kinh doanh điện ảnh, nơi rất ít ông bầu vĩ đại của quá khứ từng có khả năng định ra bất kỳ một dạng công thức thành công nào xét trên cả khía cạnh nghệ thuật lẫn thương mại.

Và ông còn chứng tỏ triết lý của mình bằng thành quả thực tế. Không lâu sau tuyên ngôn của mình, ông đã ký thỏa thuận sản xuất bộ phim “Terms of Endearment” với điều kiện đạo diễn James Brooks phải xoay sở được trong giới hạn ngân sách ít ỏi 7 triệu đô la. Eisner đã không khoan nhượng cho James Brooks ngay cả khi chi phí thực tế lên tới 8 triệu đô la, James Brooks phải đi tìm kiếm nhà tài trợ cho khoản dư 1 triệu đô la ấy. Cuối cùng bộ phim đã thành công ngoài mong đợi.

Quay trở lại thực tại thế kỉ 21. Nền điện ảnh của nước ta trong vòng một thập niên trở lại đây có bao nhiêu tác phẩm thực sự được tạo nên dựa trên một ý tưởng Tốt? hay chỉ đang chạy theo những ngôi sao hạng nhất, những đạo diễn hàng đầu hay bị chi phối bởi các nhà tài trợ?

Không ai phủ nhận tầm quan trọng của “kinh phí dồi dào”. Nhưng nếu muốn tạo ra một bộ phim đột phá thì phải có ý tưởng đột phá!

 

Hết kỳ 1. Đón xem Kỳ 2: Góc Máy!